Thursday, October 23, 2014

Trung Quốc mua ốc bươu vàng miền Tây làm gì?





Trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc, ốc bươu vàng sẽ được sơ chế và đông lạnh. Ảnh Ngọc Trinh.

Hình thức bán ốc bươu vàng cũng rất đa dạng. Người làm nghề có thể bán ốc đã lấy ruột hoặc ốc còn vỏ. Anh Hà Minh Trọng, ở ấp 5, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) ngày nào cũng đi bắt ốc ở những cánh đồng ngập nước sau nhà, cho biết: “Trước đây, vào mùa nước nổi, nghề của tôi là đi mua chừng 2.000 con cá lóc về nuôi trong vèo, rồi bắt ốc cho cá ăn. Mỗi vụ như vậy kiếm được vài triệu đồng.

Tuy nhiên, hơn năm nay, giá ốc bươu vàng rất cao, ruột ốc từ 15.000 đến 17.000 đồng/kg, tính ra bắt ốc bán trong mấy tháng lũ có thu nhập cao hơn nhiều so với nuôi cá, nên tôi chuyển sang bắt ốc. Mùa này ngoài đồng ốc rất nhiều, trung bình một người mỗi ngày bắt được vài chục ký, có khi lên đến cả trăm ký”.

Do chỉ làm nghề một mình nên anh Trọng không bán ốc ruột mà bán xô ốc vỏ cho thương lái. Mỗi ngày, cứ khoảng 14 h là có người chạy vỏ lãi đến tận nhà anh cân ốc, với giá 2.500 đến 3.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Ngọc Minh ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp cũng tham gia bắt ốc bươu vàng lấy ruột bán. Theo ông Minh, trước đây, sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, đợi đến khi đồng ngập nước là ông mua 300 - 500 m lưới ba màn để thả bắt cá, tôm nhưng thu nhập chỉ 70.000 đến 100.000 đồng mỗi ngày mà phải thức trắng đêm. Từ khi có thương lái về địa phương săn mua ốc bươu vàng, cả nhà ông chuyển sang soi ốc. Mỗi đêm một người soi cũng kiếm được 150.000 đến 200.000 đồng.

Cũng theo ông Minh, đêm bắt ốc, ban ngày ông sẽ luộc, sau đó lấy thịt rồi có thương lái đến tận nhà thu mua. Còn nếu chuyển qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang) để bán thì giá cao hơn vài ngàn đồng/kg.

Nhiều người cho rằng, hiện nay ở các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp... hoạt động đánh bắt thủy sản trầm lắng hơn rất nhiều so với nghề bắt ốc bươu vàng. Không chỉ có đàn ông, phụ nữ mà còn rất đông trẻ em số đi kéo bộ, số thì chống xuồng, chống vỏ đi bắt ốc. Nhưng cũng từ khi ốc bươu vàng có giá thì nguồn thức ăn cho người nuôi thủy sản tại miền Tây khó hẳn, vì giá ốc tăng quá cao.

Ông Lê Tấn Đức, nuôi ba ba ở ấp Trường Thọ 1, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) cho biết, bây giờ phải dùng cá biển làm thức ăn cho ba ba. Người nuôi như ông không cạnh tranh nổi với thương lái thu mua ốc.





Theo ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, việc nông dân bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái Trung Quốc đã xuất hiện trong mấy năm gần đây, đặc biệt là vào mùa lũ. Đây là cách làm thủ công rất tốt, giúp nông dân giảm chi phí tiêu diệt bằng hoá chất trong vụ lúa Đông Xuân sau lũ, lại có thu nhập ổn định. Hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 10 cơ sở thu gom, sơ chế thịt ốc bươu vàng, sau đó bán cho một công ty ở TP.HCM với số lượng hàng tấn ốc thịt mỗi ngày. "Nghe nói từ TP.HCM, họ sẽ chuyển ốc đến Lào Cai, sang tay cho thương lái người Trung Quốc. Còn chuyện họ mua làm gì thì chúng tôi không rõ", một lãnh đạo ngành nông nghiệp Long Mỹ nói.

Anh Huỳnh Minh Khánh, một thương lái thu mua và vận chuyển ốc bươu vàng gần 2 năm ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, cho biết, mùa cao điểm thu mua ốc bươu vàng của anh là từ khi nước lũ bắt đầu về, tức từ tháng 7 kéo dài đến hết tháng 11. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của anh thu 2 - 3 tấn ốc, có ngày lên đến 4 - 5 tấn đã qua sơ chế.

Ốc được gom lại, sau đó chuyển về Rạch Giá (Kiên Giang) để đông lạnh rồi tiếp tục chuyển lên Hà Nội để xuất sang Trung Quốc. Anh Khánh cũng cho biết, có rất nhiều cơ sở thu mua cùng tập trung về Kiên Giang để đông lạnh ốc rồi đưa đi xuất khẩu.


Tin tức nguồn: http://www.xaluan.

No comments:

Post a Comment

BACK TO TOP